Home > PHƯƠNG PHÁP DẠY TRẺ > Hành trình hỗ trợ con tự kỷ vào lớp một

Hành trình hỗ trợ con tự kỷ vào lớp một

“Hình ảnh con mải mê tập viết từng chữ cái, các số đếm từ 1 đến 100, viết đi viết lại một số phép tính đơn giản trong phạm vi 10 gieo vào mẹ niềm hy vọng và quyết tâm cho con vào học lớp 1 như bao bạn khác cùng tuổi”.

Đây là chia sẻ của chị Thiên Cầm (Q.Ba Đình, Hà Nội) trong hành trình hỗ trợ con tự kỷ hoàn thiện như trẻ bình thường. Chị cho biết, con đang nghỉ hè và chuẩn bị bước vào lớp 2. Chị vẫn hồi hộp cùng con bước tiếp chặng đường khó khăn này, nhưng chị tin con sẽ cố gắng hết mình để đuổi kịp các bạn.

Chị Cầm cho biết, lúc con học lớp mẫu giáo lớn, chị cũng chưa biết con có vào được lớp 1 đúng độ tuổi hay phải học chậm lại 1 năm. Hoặc phải chuyển đến trung tâm chuyên biệt để học lớp 1… Tra cứu trên mạng nhiều nhưng các thông tin cho trẻ tự kỷ vào lớp 1 rất mơ hồ. Hầu như chỉ có lời mời gọi của các trung tâm hỗ trợ cho trẻ tự kỷ dưới 6 tuổi.

Chị Cầm tâm sự: “Nét chữ con viết còn gẫy nét, rất khó khăn, khả năng nhận thức còn hạn chế, nhất là hành vi sinh hoạt hàng ngày của con chưa ổn định…. Cả nhà nói mẹ nên cho con vào trường chuyên biệt, con không thể vào lớp 1 được.

Mẹ vừa nộp hồ sơ xin con vào trường tiểu học bình thường, vừa tìm trường tiểu học chuyên biệt dự phòng, nếu con không thể theo học tiểu học, mẹ sẽ chuyển trường cho con. Hầu hết các cô giáo đã từng can thiệp cho con và đang hỗ trợ con thời điểm đó đều đồng ý với mẹ, vì con đã tiến bộ rất nhiều so với thời điểm bắt đầu can thiệp lúc hơn 2 tuổi.

Nhớ ngày mẹ đón con ở trường mầm non đến học hè, làm quen trường tiểu học mới, cô hiệu trưởng trường mầm non khẽ buột cười bảo: “Nếu con học thử không được, mẹ cứ đưa con trở lại mầm non học thêm năm nữa nhé”.

Con đến trường tiểu học ngày đầu, có mẹ, có cô Oanh dạy can thiệp ở trường mầm non đến cùng, con chống đối, khóc lăn ra đòi về trường cũ. Vì từ nhỏ, cứ nơi lạ, người lạ là con phản đối kịch liệt. Cô chủ nhiệm phát tờ phiếu tô màu, cả lớp hí hoáy tô để nộp bài, riêng con vẽ nhằng nhịt, chẳng ra tô, chẳng ra vẽ. Thậm chí, hộp màu vẽ chung với các bạn khác và bút chì đã gẫy, con phản ứng không dùng, nằm bò ra bàn.

Sang ngày thứ 2, thứ 3, con dần quen nề nếp của trường, của lớp, xếp hàng, ăn trưa, ngủ trưa, học đội hình đội ngũ để chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới.

Để hỗ trợ con làm quen lớp, quen trường, cô hiệu trưởng và cô chủ nhiệm đồng ý cô Oanh đi cùng con đến lớp. Được 10 buổi, cô Oanh bỗng bị động thai ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Lúc này còn vài buổi học hè nữa thì vào khai giảng. Bác sỹ yêu cầu cô phải nghỉ ngơi. Cô Oanh không đến, con không hợp tác với cô chủ nhiệm, không xếp hàng, không lấy giấy bút, vở ra học bài…. Cô chủ nhiệm nhắn mẹ tìm cô giáo chuyên biệt khác đến giúp con thêm 2 tháng nữa, rồi sẽ tính xem con học tiếp hay không?

Tìm cô giáo mới, có ngay, nhưng cả tuần cô vật vã với con mà không thể tiếp cận con được. Con đường học tiểu học của con gần như đóng lại. May sao, mẹ chợt nhớ ra cô Hằng, giáo viên chuyên biệt đã có thời gian ngắn hỗ trợ con ở trường mầm non cũ. Như có duyên với cô Hằng, con vui vẻ hợp tác ngay. Cô chỉ đưa ánh mắt, con đã theo nề nếp lớp, trường. Cô trò bên nhau nửa kỳ, rồi hết kỳ I.

Sự lo lắng của mẹ về việc con học văn hoá cả ngày liệu có quá căng thẳng, bệnh con có tăng lên? Con vẫn không thể viết tròn nét chữ, cứ chữ to, nhỏ và chẳng thể theo dòng. May sao, trước kỳ thi học kỳ I chỉ 1 tuần, con đã viết được như mong muốn và hào hứng đến trường. Con tập chép những bài chính tả cô chủ nhiệm đọc như những bạn bình thường, vào thi cùng các bạn.

Cứ như vậy, con hoà đồng cùng các bạn. Cô chủ nhiệm nói: “Con đã biết viết, biết đọc, biết theo mệnh lệnh của cô viết chữ, tính toán. Các bài toán đơn giản con vẫn làm được, đôi khi nhanh quá thành ẩu. Nhưng lớp 1 như thế là hoàn thành”.

Thời điểm này, con sắp vào lớp 2, song nhiều mẹ có đứa con đặc biệt đến tuổi đi học chắc hẳn đang có nhiều băn khoăn, lo lắng như mẹ. Mỗi mẹ sẽ có cách lựa chọn của riêng mình, nhưng con mới là người quyết định tất cả. Con nhận thức được, theo đuổi được các bạn, đó là niềm hy vọng mà bà mẹ nào cũng sẵn sàng ở bên con từng ngày, hỗ trợ con hoà nhập nhanh nhất với cuộc sống”.

Leave a Reply