Home > KIẾN THỨC TRẺ EM > TRẺ CHẬM PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

TRẺ CHẬM PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Bên cạnh cân nặng và chiều cao, trẻ chậm phát triển trí tuệ là một tình trạng sức khỏe tâm thần cần được phụ huynh quan tâm đúng mực. Vậy dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ là gì, và trẻ chậm phát triển có chữa được không, hay điều trị trẻ chậm phát triển nên như thế nào?

Trẻ chậm phát triển trí tuệ là gì?

Chậm phát triển trí tuệ là một thuật ngữ chuyên khoa mô tả tình trạng khiếm khuyết ở não bộ của trẻ nhỏ. Sự khiếm khuyết này khiến khả năng học tập, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, giao tiếp và kỹ năng xã hội của trẻ kém hơn các bạn đồng trang lứa.

Bé chậm phát triển trí tuệ có thể/ hoặc sẽ mất rất nhiều thời gian để học nói, hay học cách đi đứng vận động, mặc quần áo, tự ăn uống. Chưa kể, những trẻ này cũng cần sự giúp đỡ/hỗ trợ nhiều hơn từ người lớn trong việc học tập.

Phân loại mức độ trẻ chậm phát triển trí tuệ

Việc phân loại mức độ chậm phát triển trí tuệ ở trẻ được các chuyên gia dựa vào những hoạt động trí óc, khả năng thích ứng và mức độ trẻ cần sự hỗ trợ/ giúp đỡ của người lớn trong sinh hoạt hàng ngày.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, không thể dựa vào các bảng kiểm tra để đánh giá mức độ trẻ chậm phát triển, mà cần dựa trên các xét nghiệm lâm sàng. Thực tế, đã có nhiều trường hợp được ghi nhận không thể đánh giá được mức độ. Có 4 mức độ để đánh giá sự chậm phát triển trí tuệ ở trẻ như sau:

  • Mức độ nhẹ (có thể hòa nhập được, nhóm này chiếm khoảng 85% trong tổng số trẻ bị chậm phát triển trí tuệ).
  • Trẻ có chỉ số IQ từ 50 – 70.
  • Lúc còn nhỏ các phát triển về kỹ năng, vận động, khả năng quan sát… của trẻ thường khó phân biệt với trẻ bình thường.
  • Trẻ vẫn hòa nhập với các bạn cùng tuổi, nhưng có thể gặp khó khăn trong học tập, dù vậy, vẫn luôn cố gắng hoàn thành các chương trình trung học. Nhưng đôi khi, trẻ phải cần sự hỗ trợ và chỉ dẫn nhiều hơn các trẻ khác.
  • Mức độ trung bình (có thể huấn luyện được, nhóm này chiếm khoảng 10% trong tổng số bé bị chậm phát triển trí tuệ).
  • Trẻ có chỉ số IQ từ 35 – 49.
  • Phần lớn các trẻ này có thể học được kỹ năng giao tiếp khi còn nhỏ. Lớn lên, trẻ vẫn có thể tự chăm sóc bản thân, nhưng khả năng học tập chỉ dừng lại ở mức độ cơ bản, thường không quá bậc tiểu học.
  • Trẻ ở nhóm này khi lớn lên cần nhận được sự hỗ trợ của người khác.

  • Trẻ chậm phát triển trí tuệ mức độ nặng (nhóm này chiếm khoảng 3 – 4% trong tổng số trẻ bị chậm phát triển trí tuệ)
  • Trẻ có chỉ số IQ từ 20 – 34.
  • Lúc nhỏ, trẻ học được rất ít kỹ năng giao tiếp. Khả năng học tập của trẻ chỉ có thể làm quen với chữ cái và số đếm.
  • Trẻ ở nhóm này khi lớn không thể tự lập, chỉ thực hiện được rất ít hoạt động sinh hoạt và luôn cần sự hỗ trợ.
  • Trẻ chậm phát triển trí tuệ mức độ rất nặng (nhóm này chiếm khoảng 1 – 2% trong tổng số trẻ bị chậm phát triển trí tuệ)
  • Trẻ có chỉ số IQ dưới 20.
  • Khả năng vận động, kỹ năng chăm sóc bản thân và giao tiếp xã hội của trẻ nhóm này có thể được cải thiện khi huấn luyện. Tuy nhiên, trẻ vẫn luôn cần sự hỗ trợ, giám sát chặt chẽ.
  • Trẻ thường qua đời sớm.

Nguyên nhân bé chậm phát triển trí tuệ

  • Đối với trẻ nhỏ: Một số nguyên nhân (có thể xảy ra trước sinh, lúc sinh hoặc cả sau sau sinh) dẫn đến bé chậm phát triển trí tuệ như: Trẻ mắc hội chứng Down, hội chứng nghiện rượu ở thai nhi (FAS) do người mẹ uống rượu khi mang thai, hội chứng Fragile X (hội chứng nhiễm sắc thể X dễ gãy), dị tật bẩm sinh, nhiễm trùng bẩm sinh… 
  • Đối với trẻ lớn hơn: Các nguyên nhân gây chậm phát triển trí tuệ được xác định do trẻ bị chấn thương vùng đầu, nhiễm trùng, mắc đột quỵ ở trẻ em…

Các dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ

Nếu mức độ chậm phát triển trí tuệ ở trẻ càng nặng thì các biểu hiện sẽ “lộ” ra từ rất sớm. Dù vậy, tình trạng chậm phát triển trí tuệ của trẻ vẫn có thể cải thiện khi lớn lên nếu phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp.

Dưới đây là một số biểu hiện trẻ chậm phát triển trí tuệ ở trẻ bố mẹ có thể quan sát/ theo dõi để “nhận diện” kịp thời:

  • Trẻ tập bò, ngồi, tập đi muộn hơn trẻ cùng tuổi
  • Khả năng tập nói, học nói rất khó khăn
  • Ghi nhớ khó, chậm tiếp thu kiến thức và kỹ năng
  • Khả năng chăm sóc bản thân kém…

>>> Xem thêm: Tăng động giảm chú ý: Nguyên nhân, biểu hiện và chẩn đoán

Phương pháp chẩn đoán trẻ chậm phát triển trí tuệ

Theo DSM-IV (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ), có 3 tiêu chuẩn chính để chẩn đoán một bé chậm phát triển trí tuệ. Đó là:

  • Hoạt động trí tuệ của trẻ dưới mức trung bình, nghĩa là IQ ≤ 70.
  • Khả năng thích ứng xã hội, từ giao tiếp với người xung quanh đến học tập và làm việc của trẻ đều kém hơn trẻ cùng tuổi.
  • Tình trạng bệnh biểu hiện trước 18 tuổi. Nếu các biểu hiện này xảy ra sau 18 tuổi thì được gọi là sa sút trí tuệ.

Điều trị trẻ chậm phát triển trí tuệ như thế nào?

Trẻ chậm phát triển có chữa được không? Trên thực tế, trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động trí tuệ, hay khó thích ứng và cần sự hỗ trợ/ giúp đỡ từ người khác. Tùy thuộc vào mức độ chậm phát triển trí tuệ mà tuổi thọ của trẻ có thể bị ảnh hưởng.

Để điều trị trẻ chậm phát triển, tùy mức độ, các chuyên gia sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp cho từng loại như liệu pháp giáo dục, liệu pháp tâm lý, dùng thuốc. Ngoài ra, ở nhà, bố mẹ có thể phối hợp cùng với việc điều trị của chuyên gia để giúp trẻ phát triển tốt hơn, như sau:

  • Khuyến khích sự độc lập ở trẻ. Hãy để trẻ thử những điều mới và khuyến khích trẻ tự làm, chỉ hướng dẫn trẻ khi thật sự cần thiết và đưa ra phản hồi tích cực khi trẻ làm tốt điều gì đó hoặc thành thạo điều gì đó mới.
    • Tích cực cho trẻ tham gia vào các hoạt động nhóm, tham gia một lớp học nghệ thuật hoặc tham gia hướng đạo sinh sẽ giúp trẻ xây dựng/ phát triển tốt các kỹ năng xã hội.
    • Phối hợp và giữ liên lạc với giáo viên của trẻ để có thể theo dõi sự tiến bộ và ôn lại những gì trẻ đã được học ở trường thông qua thực hành tại nhà.
    • Làm quen, kết nối với các bậc phụ huynh khác cùng cảnh ngộ để có được sự tư vấn và hỗ trợ tuyệt vời về tinh thần.

    Hy vọng với những thông tin cơ bản về tình trạng trẻ chậm phát triển nêu trên bố mẹ có thể biết cách chăm sóc trẻ tốt hơn, tư vấn chuyên gia và điều trị cho trẻ kịp thời để giúp trẻ có thể phát triển bình thường và hòa nhập xã hội. Và cần nhớ, trong mọi tình huống, ngoài vấn đề chăm sóc y tế, trẻ chậm phát triển trí tuệ rất cần sự chăm sóc, yêu thương của người thân trong gia đình và bạn bè xung quanh, cũng như cần có chế độ dinh dưỡng khoa học, tốt cho trí não phát triển.

Leave a Reply