Tự kỷ và can thiệp sớm để tăng chất lượng cuộc sống cho trẻ
I. Can thiệp sớm:
1 / Khái niệm:
Can thiệp sớm là sự hướng dẫn sớm (mang tính giáo dục) cho trẻ và gia đình trẻ.
Can thiệp sớm (CTS) trong 5 năm đầu có thể làm tăng chất lượng cuộc sống cho trẻ và gia đình trẻ. Đây chính là sự chuẩn bị quan trọng cho việc học và tiếp tục học lên lớp mẫu giáo sau này của trẻ, đồng thời CTS cũng chuẩn bị tiền đề để trẻ có thể học hội nhập tại các trường phổ thông.
2 / Mục tiêu can thiệp sớm:
Nhằm phát triển tối đa tiềm năng học ở trẻ, phát triển sự khoẻ mạnh trong cuộc sống hàng ngày của trẻ; giúp trẻ sống độc lập và có một cuộc sống càng bình thường càng tốt và để trẻ có thể trở thành một thành viên của cộng đồng.
Mục đích can thiệp không chỉ dừng ở bản thân trẻ mà cả cuộc sống của trẻ trong hoàn cảnh gia đình.
3 / Quá trình Can thiệp sớm:
Quá trình CTS gồm có 5 giai đoạn. Quá trình này thực sự bắt đầu khi cha mẹ trẻ hay gia đình trẻ đến tìm sự giúp đỡ của các trung tâm và các nhà chuyên môn bắt đầu giúp đỡ họ.
– Giai đoạn 1: Thắc mắc
– Giai đoạn 2: Đánh giá
Việc đánh giá được tiến hành trong những hoàn cảnh tự nhiên có trẻ tham gia.
– Giai đoạn 3: Lập kế hoạch
– Giai đoạn 4: Can thiệp
– Giai đoạn 5: Đánh giá lại
4 / Các nhóm trẻ thuộc quá trình can thiệp sớm:
Phần lớn các chương trình CTS không chỉ chú ý đến những năm đầu mà còn chú ý tới những hoạt động thuộc lĩnh vực giáo dục mầm non. Hỗ trợ trẻ trong suốt thời gian trẻ đến trường mầm non và cả khi trẻ học phổ thông cũng là một phần của chương trình và dịch vụ CTS. Do vậy, hai nhóm trẻ mà CTS tập trung chủ yếu là từ 0 đến 3 tuổi và từ 3 đến 6 tuổi nhưng không dừng lại ở 6 tuổi mà còn có thể kéo dài tới khi trẻ vào trường phổ thông nếu điều này là cần thiết và có lợi cho trẻ.
Điều này đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các dịch vụ can thiệp sớm, các trường mầm non cũng như các trường tiểu học. Chỉ có sự hợp tác chặt chẽ và tiếp tục can thiệp chúng ta mới có thể giúp trẻ phát triển tốt đến mức có thể.
5/ Các hình thức can thiệp:
– Trị liệu cá nhân: TL Tâm lý, TL ngôn ngữ – giao tiếp phi ngôn ngữ (bằng cử chỉ) hoặc bằng ngôn ngữ nếu có thể, TL hành vi, trị liệu nước, điều chỉnh các giác quan, mỹ thuật, nhận biết thế giới xung quanh trẻ.…
– Trị liệu nhóm: Âm nhạc, tâm kịch, dã ngoại …. tạo tương tác và giao tiếp xã hội….
– Giáo dục đặc biệt: Các kỹ năng tự lập, phát triển chức năng, các kỹ năng tiền văn hoá và văn hoá, các kỹ năng tiền hướng nghiệp.
II. Can thiệp sớm cho trẻ Tự kỷ tại Trung tâm HAPPY HOUSE:
Học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia và các đồng nghiệp đi trước, Trung tâm HAPPY HOUSE đã sớm triển khai và áp dụng mô hình CTS này tại Trung tâm. Bên cạnh đó. cũng xuất phát từ đặc điểm văn hoá, kinh tế và môi trường Việt nam, Trung tâm đã đề ra chiến lược can thiệp là: LẤY TRẺ LÀM TRUNG TÂM.
1 / Các lớp học:
Một lớp từ 8 trẻ đến 15 trẻ do 2 đến 3 giáo viên phụ trách. Ở mỗi lớp, nhóm trẻ thường có tuổi đời, mức độ phát triển và loại tật tương đương nhau.
Thời gian biểu của các lớp phụ thuộc vào đặc điểm trẻ. Ví dụ: thời gian biểu của các lớp Can thiệp sớm khác các lớp chức năng …
Trong các lớp học, giáo viên xây dựng bảng tranh biểu tượng về các hoạt động trong ngày, về các nội qui mà trẻ phải thực hiện kèm bộ tranh biểu tượng quản lý hành vi của trẻ.
Từ 8h30 sáng đến 15h45 chiều, các trẻ được tham gia các hoạt động một cách liên tục theo từng chủ điểm riêng, với các hình thức dạy cá nhân và dạy nhóm.
2 / Phân loại trẻ:
Phân loại trẻ dựa vào kết quả đánh giá tình trạng ban đầu tại phòng khám của trung tâm. Các thông tin đó là: chỉ số phát triển, chỉ số thông minh (sử dụng test Denver 2 và Raven màu), kết quả từ bảng chẩn đoán tự kỷ cho trẻ có chỉ số phát triển bình thường và chậm phát triển trí tuệ (CARS, Bảng chẩn đoán Tự kỷ cho trẻ CPTTT, M-CHAT), gia đình trẻ, nhu cầu của trẻ và gia đình.
Sau đó kết hợp với sự quan sát của giáo viên, đánh giá sở thích, điểm mạnh, điểm yếu, mức độ tật, mỗi trẻ sẽ có một chương trình giáo dục cá nhân trong từng tháng. Sau mỗi tháng GV, cán bộ tâm lý, GV trị liệu sẽ đánh giá lại để xây dựng chương trình can thiệp của tháng tiếp…
Một số trẻ sẽ phải dùng thuốc (An thần kinh, kháng động kinh…) hỗ trợ kết hợp. Sau 6 tháng đến một năm học, tất cả trẻ lại được đánh giá lại tuổi khôn và mức độ tự kỷ.
3. Các phương pháp được áp dụng ở Trung tâm Happy House:
3.1. Phương pháp phân tích hành vi ứng dụng (ABA)
Đây là một trong số những phương pháp hữu hiệu nhất để dạy những trẻ tự kỷ. Những kỹ năng đặc biệt được dạy bằng cách chia chúng ra thành những bước nhỏ, dạy một bước trong một thời điểm và củng cố bước trước đó. Nhiều năm qua, ABA được sử dụng để dạy các cá nhân với những khả năng khác nhau, và có thể được sử dụng trong tất cả lĩnh vực kỹ năng: Tự chăm sóc, lời nói và ngôn ngữ, kỹ năng cư xử xã hội.
Các thành phần của mỗi hành vi là:
– Antecedent (tiền đề): Một đề nghị, yêu cầu được minh hoạ bằng lời nói hoặc động tác cơ thể.
– Hành vi: đứa trẻ đáp ứng.
– Kết quả: phụ thuộc vào hành vi là gì. Kết quả có thể bao gồm củng cố cho hành vi tốt, không đáp ứng được hoặc sửa hành vi sai (không trừng phạt).
Ví dụ:
1. Giáo viên nói: Cháu nhặt bút chì lên (Antecedent).
Trẻ: làm chính xác (Hành vi).
Giáo viên: Vỗ tay (Kết quả).
2. Giáo viên: Đưa cô quả bóng (Antecedent).
Trẻ: Ném bóng đi (Hành vi).
Giáo viên: Nói với trẻ đó là hành vi sai, và sau đó yêu cầu trẻ đưa lại quả bóng cho cô. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi trẻ làm đúng yêu cầu thì giáo viên vỗ tay (kết quả).
Ngay khi một kỹ năng đã được học trong một môi trường có kiểm soát (ở đây là lớp học). Kỹ năng này sẽ được dạy ở nhiều tình huống khác nhau. Có một ý kiến cho rằng kỹ năng có thể được dạy trong môi trường tự nhiên. Nếu đứa trẻ học rất tốt màu sắc ở bàn học, bạn là giáo viên thì nên dẫn trẻ đi vòng quanh nhà và sau đó dạy lại kỹ năng trong môi trường tự nhiên. Ví dụ như: xanh lá cây = lá trên cây, xanh da trời = bầu trời, vàng = mặt trời, nâu = thân cây …
3.2. Phương pháp Trị liệu và Giáo dục cho trẻ Tự kỷ và trẻ có khó khăn về giao tiếp TEACCH (Treatment and Education of Autistic and related Communication handicapped children)
TEACCH là một cách tiếp cận theo suốt cuộc đời nhằm giúp những người bị tự kỷ mà mục tiêu của nó là trang bị cho trẻ một cuộc sống hữu ích trong cộng đồng. Cách tiếp cận này bắt đầu cung cấp các th ông tin thị giác, cấu trúc và sự dự đoán vì người ta nhận ra là kênh học tập thuận lợi nhất là thông qua thị giác.
3.3. Hệ thống giao tiếp bằng cách trao đổi tranh (PECS – Pictures Exchange Communication System)
PECS là một công cụ tốt giúp trẻ giao tiếp không lời (không cần nói từ). PECS cho phép trẻ lựa chọn và giao tiếp nhu cầu. Khi trẻ có thể giao tiếp và thể hiện như cầu của chúng, thông thường các hành vi có thể giảm nhẹ và trẻ trở nên vui vẻ hơn.
PECS có thể được dùng trong nhiều cách khác nhau để giao tiếp. Điển hình PECS là các bức tranh về đồ vật (thức ăn, đồ chơi, …). Khi trẻ muốn một trong những thứ đó, trẻ đưa tranh cho đối tượng giao tiếp như bố mẹ, nhà trị liệu, người trông nom hoặc đứa trẻ khác. Đối tượng giao tiếp sau đó sẽ đưa cho trẻ đồ chơi hoặc thức ăn để củng cố giao tiếp.
Cuối cùng, các bức tranh có thể được thay thế bằng các từ và câu ngắn.
Ví dụ: “Tôi muốn sữa”. PECS cũng có thể dùng trong bảng thời gian biểu bằng hình ảnh để giúp trẻ hiểu điều gì đang xảy ra và sẽ xảy ra trong một ngày nhất định.
Việc giới thiệu PECS có thể là một quá trình kéo dài và phức tạp, trải qua nhiều tháng để hoàn thiện. Đối với cuộc sống hàng ngày với một trẻ không có ngôn ngữ nói và cũng không sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, PECS có thể hoàn toàn là một sự trợ giúp cho sự thiếu “phương tiện” giao tiếp.
3.4. Hoạt động trị liệu (OT – Occupational Therapy):
OT đưa ra những hỗ trợ cho trẻ Tự kỷ mà có các khó khăn trong giác quan, vận động, cơ lực và các kỹ năng thăng bằng.
Nhà trị liệu và giáo viên thường sử dụng mát-xa, bạt lò xo, ván trượt, bóng cao su to, bể bơi… tất cả những thứ này được dùng để trẻ trở nên nhận thức hơn về cơ thể mình và có khả năng sử dụng cơ thể trong các cách khác nhau.
3.5. Trò chơi không định hướng:
Trò chơi không định hướng giống như tương tác và chơi – nói chung không ép buộc, không có cấu trúc và vui vẻ. Nó không giống như chơi bình thường bởi vì khi bạn là giáo viên, bạn đóng vai trò như một đối tượng chơi tích cực của trẻ. Nhiệm vụ của giáo viên là theo sự dẫn dắt của trẻ và chơi bất kỳ cái gì mà trẻ thích và làm điều này theo cách sao cho khuyến khích trẻ tương tác với mình. Điều này có nghĩa rằng nếu trẻ muốn đẩy xe ôtô, bạn đẩy xe ôtô với trẻ, đưa trẻ xem một cái ôtô đi nhanh hoặc như là một cuộc thi xem ai nhanh hơn. Nếu cần thiết, lấy ôtô của bạn đâm vào ôtô của trẻ – làm những gì để tạo nên sự tương tác. Nếu trẻ muốn chơi xếp hình, bạn xếp cùng trẻ, đặt những hình khối trên tháp, thậm chí làm đổ tháp kèm với giọng nói “ồ” cất lên – như vậy là làm tất cả những gì để tạo nên sự tương tác. Vai trò của bạn là trở thành người giúp có tính xây dựng và khi cần thiết, khiêu khích bằng cách làm bất cứ điều gì để đưa hoạt động của trẻ vào sự tương tác liên cá nhân.
3.6. Các câu chuyện xã hội:
Các câu chuyện xã hội thể hiện các nhiệm vụ hoặc tình huống xã hội được viết ra hoặc dùng bằng tranh ảnh để giúp trẻ hiểu tốt hơn mọi thứ được làm như thể nào, cái gì cần phải làm và dạy trẻ phản ứng phù hợp trong một số tình huống nhất định.
VD:
– Ở trường học:
Phạm vi thời gian (giờ nghỉ, giờ ăn trưa, …)
Các câu chuyện về các yếu tố của cuộc sống tại trường học.
– Xung quanh nơi ở:
Động vật, xe buýt, đi mua hàng …
Các câu chuyện về các sự kiện trong cộng đồng.
– Cư xử lịch sự:
Nói xin lỗi, chào hỏi …
Các câu chuyện về chào hỏi và cư xử lịch sự
– Cảm xúc:
Trở nên giận dữ, thất vọng, buồn, phấn khởi …
Các câu chuyện về cảm xúc, cảm giác của bản thân cũng như của người khác.
– Các sự kiện lớn:
Đám ma, tổ chức sinh nhật …
– Vệ sinh:
Đi vào nhà tắm, đánh răng, mặc quần áo, uống nước sạch, rửa tay …
Những câu chuyện về sự sạch sẽ và tự chăm sóc bản thân.
Bạn có thể dùng các bức tranh để minh hoạ đánh răng như thế nào.
Tranh 1: Minh hoạ hàm răng.
Tranh 2: Minh hoạ bàn chải.
Tranh 3: Minh hoạ kem đánh răng.
Tranh 4: Minh hoạ rằng bạn cho kem đánh răng lên bàn chải.
Tranh 5: Minh hoạ bàn chải ở trong miệng.
Không phải tất cả các câu chuyện đều hữu ích với tất cả các trẻ, vì vậy các trẻ khác nhau thì có thể phải thay đổi các câu chuyện khác nhau.
Việc huấn luyện các kỹ năng xã hội (làm thế nào để tương tác xã hội) là rất quan trọng, bởi vì nó rõ ràng là lĩnh vực mà trẻ mắc Tự kỷ gặp khó khăn nhất. Một đứa trẻ Tự kỷ mục tiêu học các kỹ năng xã hội là giúp trẻ kết bạn, thiết lập mối quan hệ và có các tương tác xã hội thích hợp.
3.7. Tích hợp các giác quan:
Các giác quan của chúng ta đưa cho chúng ta thông tin mà ta cần để nhận thức thế giới. Các giác quan lấy thông tin từ các hiện tượng cả ngoài và trong cơ thể chúng ta. 5 giác quan: nghe, nhìn, nếm, ngửi, sờ, phản ứng đối với các hiện tượng đến từ bên ngoài cơ thể. Trị liệu hoà hợp giác quan là một công cụ có giá trị để dạy trẻ Tự kỷ làm thế nào để tương tác với môi trường xung quanh.
Một trong những khó khăn chính của trẻ Tự kỷ là cách chúng hiểu về môi trường.
Người Tự kỷ đôi khi không thể hiểu bản thân cơ thể họ. Và vì vậy, đôi khi họ có các hành vi không bình thường để “cảm nhận” mọi việc. Ví dụ, một số trẻ Tự kỷ đập đầu vào tường hoặc quay vòng tròn. Một số trẻ khác tự làm đau mình hoặc lao vào đồ vật. Những hành vi này là kết quả trực tiếp của những khiếm khuyết hoà hợp giác quan.
Môi trường giác quan là để giúp cung cấp cho cá nhân những cơ hội để minh hoạ, phát triển hoặc cân bằng hệ thống giác quan của họ.
Phòng phát triển giác quan (Multi-sensory room) có thể có nhiều hình dạng, ví dụ như có thể tối hoặc sáng, có nhạc nhẹ hoặc không, nhưng cái chính là để tập trung vào chức năng của phòng là để chữa trị, giáo dục và thư giãn, tất cả nằm trong mối liên quan đến sự phát triển. Các thiết bị được dùng trong phòng thay đổi tuỳ theo loại, chức năng và nhu cầu của cá nhân sử dụng nó. Ví dụ như các thiết bị âm nhạc nhẹ nhàng, sợi quang học, bóng, gương, ống cao su, đệm nước, ánh sáng dịu dàng, …
3.8. Trị liệu lời nói và ngôn ngữ:
Lời nói là một bộ phận lớn của ngôn ngữ mà con người sử dụng hàng ngày. Tuy ngôn ngữ chiếm nhiều hơn những ngôn ngữ không phải chỉ có lời nói. Nó còn bao gồm các bộ phận cấu thành của giao tiếp như ngôn ngữ cơ thể, tiếp xúc mắt …
Trẻ em Tự kỷ thường không giao tiếp bằng cách dùng lời nói hoặc bất cứ loại ngôn ngữ nào, ví dụ như tiếp xúc mắt và ngôn ngữ cơ thể. Nếu một đứa trẻ không muốn giao tiếp, nó sẽ không khám phá ra được khả năng của mình về phát âm, học các âm thanh mới hoặc nghe ngôn ngữ nói xung quanh mình. Điều này sẽ dẫn đến sự chậm phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp và trẻ sẽ thấy rất khó khăn để thể hiện bản thân mình. Điều này thường dẫn đến sự thất vọng cho trẻ.
Một trẻ Tự kỷ có thể không thấy được lý do nào để giao tiếp với người khác. Không có lý do, không có gì để giao tiếp hoặc không cần giao tiếp.
Trị liệu lời nói rất quan trọng trong phát triển chức năng cho trẻ và nó nên được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày của tất cả những trẻ có khó khăn về lời nói và ngôn ngữ.
Các lĩnh vực cần tập trung vào như:
– Kỹ năng nghe và chú ý.
– Kỹ năng chơi.
– Kỹ năng xã hội.
– Hiểu xã hội.
– Hiểu ngôn ngữ.
– Diễn đạt ngôn ngữ.
Bởi vì trẻ Tự kỷ trông giống trẻ bình thường nên người khác cho rằng chúng nghịch ngợm và cha mẹ chúng không dạy bảo được. Những người lạ thường than phiền về trẻ và đó là một lời chỉ trích khó khăn với cha mẹ hàng ngày.
Tất cả các trẻ, dù bị Tự kỷ hay không đều không phải học bằng cách bị trừng phạt mà bằng sự động viên khích lệ. Nếu bạn muốn dạy trẻ về những nguyên tắc, bạn phải chỉ cho trẻ cách thức như thế nào và chúng sẽ đáp lại. Điều duy nhất bạn không nên làm, đó là sự trừng phạt. Đứa trẻ sẽ sinh ra sợ hãi cả bạn và những người khác, sợ cuộc sống và cứ thế làm tăng dần những lo lắng, sợ hãi trong trẻ.
3.9. Trị liệu nước
Đây là một hoạt động trị liệu có ý nghĩa hỗ trợ rất tích cực cho sự phát triển của trẻ tự kỷ. Trị liệu nước giúp trẻ tự kỷ giảm căng thẳng, giảm bớt những hành vi không mong muốn, tăng khả năng tương tác và giao tiếp. Nước có tác động tích cực đến giác quan của trẻ tự kỷ, tạo ra một môi trường an toàn cho trẻ.
3.10. Âm nhạc trị liệu
Mục đích của sự tương tác âm nhạc là gắn kết đứa trẻ vào quá trình tương tác, xây dựng sự mong muốn giao tiếp hơn là trở thành một phản ứng mang tính cơ học đối với sự mong đợi của người lớn. Cách tiếp cận này dựa trên sự tương tác giữa người chăm sóc và trẻ, theo cách mà cha mẹ chơi một cách tự nhiên với trẻ nhỏ. Người ta nhấn mạnh tới việc giúp trẻ phát triển dự định giao tiếp. Điều đó tập trung vào những gì trẻ có thể làm và phụ thuộc vào điều này. Cách này cũng cùng quan điểm với việc trị liệu chơi không định hướng, trong đó có thêm một nhân tố là âm nhạc nhằm giúp tăng cường giao tiếp và vai trò của trẻ trong suốt quá trình.
3.11. Computer – Games
Cho trẻ làm quen với máy tính để phát hiện ra khả năng tiềm tàng của trẻ. Ngoài ra, một số trẻ gặp khó khăn về ngôn ngữ sẽ tăng khả năng giao tiếp thông qua sử dụng máy tính với hệ thống tranh biểu tượng .
4. Giới thiệu một số ảnh hoat động và chiếu 1 tiết dạy giỏi.
Khi bạn làm việc với những trẻ được chẩn đoán 1 trong 5 rối loạn trên, bạn phải chắc chắn về những gì trẻ có thể làm được và không làm được, cái gì trẻ thích và không thích, sau đó làm việc trên những kỹ năng đặc biệt để giúp nâng cao khả năng cho trẻ. Các mối quan hệ và cảm xúc, phát triển ngôn ngữ và giao tiếp được coi là quan trọng nhưng cơ bản là để bắt đầu làm việc với trẻ phải dựa trên những kỹ năng đặc biệt con người cần phải đạt được để có thể học tập và sống trong xã hội.
Đưa ảnh và chiếu 1 hoạt động vào bài chiếu đã được tóm tắt.